image banner
Thôn Đông Căm xã Gia Phú.

Thôn Đông Căm, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, là thôn nằm ở cửa ngõ của xã Gia Phú, phía Bắc giáp Thành phố Lào Cai, phía Đông giáp xã Sơn Hải, phía Tây giáp Sa Pa, phía Nam giáp với xã Xuân Giao. Chi bộ thôn với 12 đảng viên, toàn thôn có 170 hộ gia đình với 687 nhân khẩu, bao gồm cộng đồng các dân tộc Kinh, Dao, Giáy, Mông, (Dân tộc Kinh, Dao là chủ yếu), trong đó có 01 cụm dân cư với 24 hộ 82 khẩu  100% là đồng bào dân tộc Dao. Đời sống của Nhân dân chủ yếu thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển kinh doanh dịch vụ nhỏ, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/ 1 người/ 1 năm, thu nhập từ đơn vị diện tích đất canh tác đạt 115 triệu đồng/01 ha, đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 2,3%.

Năm 2023, thôn được chọn là một trong 14 thôn đầu tiên của xã Gia Phú để triển khai "Mô hình thôn nông thôn mới thông minh" từ 2023 đến 2025, nhờ vào sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân. Đến nay, việc triển khai mô hình đã mang lại thay đổi đáng kể, thúc đẩy nhiều tiện ích thiết thực, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng.

Trong những năm qua, với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chi bộ, Nhân dân thôn Đông Căm luôn sáng tạo, tích cực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giữ gìn an ninh trật, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới xây dựng thôn đạt nông thôn mới thông minh.     

Mặc dù nông nghiệp vẫn là ngành nghề chính, cuộc sống của người dân Đông Căm đã được cải thiện đáng kể bằng cách tích hợp công nghệ vào các hoạt động hàng ngày. Ngoài việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như: Hợp tác xã sản phẩm sạch với 05 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 03 sao cấp tỉnh, mô hình chăn nuôi Hươu, mô hình chăn nuôi lợn thịt,  phong trào xây dựng thôn văn hoá cũng được các cấp ghi nhận với 1,8km đường hoa, 4,6km đường điện và đường cờ, được Nhân dân thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hoá 100%. Ngoài ra các phong trào văn hoá, văn nghệ thể thao cũng được tổ chức hoạt động thường xuyên với 02 đội văn nghệ, 01 đội bóng chuyền hơi thường xuyên luyện tập vào các ngày cuối tuần, tham gia các hoạt động giao lưu trong các dịp kỷ niệm, ngày lễ của đất nước, địa phương do các cấp tổ chức.

Trong sản xuất kinh doanh, trao đổi hàng hoá, việc sử dụng mã QR cho giao dịch thanh toán tại các điểm bán hàng từ điện máy, gia dụng đến thực phẩm và rau củ quả, cho phép việc thanh toán không dùng tiền mặt, thể hiện sự tiện lợi và hiện đại. Đặc biệt, sự triển khai của mô hình chợ 4.0 đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc cải thiện tư duy tiêu dùng thông minh của cộng đồng.

Tính đến nay, thôn Đông Căm đã ghi nhận sự đột phá nổi bật trong việc áp dụng công nghệ số, với hơn 97% hộ gia đình đã kết nối Internet. Nổi bật hơn, mọi người dân trưởng thành trong thôn đều đã chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh, được trang bị các ứng dụng ngân hàng điện tử, cho phép thực hiện chuyển khoản và quét mã QR Code khi thanh toán. Điều này không chỉ mang lại thuận tiện mà còn tăng cường an toàn trong các giao dịch tài chính, phản ánh xu hướng không sử dụng tiền mặt đang ngày càng phổ biến. Đáng chú ý, 100% cơ sở kinh doanh tại thôn cũng đã áp dụng thành công phương thức thanh toán này.

Ngoài việc thực hiện các tiêu chí thanh toán không dùng tiền mặt, vận động các hộ gia đình sử dụng điện thoại thông minh, kết nối internet, thôn Đông Căm còn chú trọng đến việc nâng cao an ninh và an toàn cho người dân bằng việc triển khai hệ thống camera giám sát. Hơn 50% hộ dân đã lắp đặt camera an ninh, đóng góp vào việc tăng cường sự an tâm và bảo vệ cho cộng đồng. Nhà văn hóa thôn, nay đã trở thành trung tâm tri thức số, được trang bị đầy đủ máy tính, máy Scan và kết nối Internet tốc độ cao, trang bị camera an ninh gám sát. Điều này là kết quả của nỗ lực không ngừng từ Tổ công nghệ số thôn, với mục tiêu hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi ngay tại địa phương hoặc qua thiết bị di động, giảm thiểu sự cần thiết phải đến trực tiếp trụ sở UBND xã. Chỉ riêng trong tháng 2/2024, đã có 20 thủ tục hành chính được thực hiện hiệu quả tại nhà văn hóa và qua thiết bị di động, minh chứng cho sự chuyển đổi số mạnh mẽ và hiệu quả.

Sự chuyển đổi số tại thôn Đông Căm không chỉ gói gọn trong việc thanh toán tài chính mà còn mở rộng sang các khía cạnh khác như truyền thông, an ninh và cung cấp dịch vụ công. Tạo lập một nhóm Zalo để truyền đạt thông tin nhanh chóng và hiệu quả.

Chị Vũ Thị Dệt, là người dân nơi đây, tỏ ra hết sức phấn khích: “Việc sử dụng công nghệ quét mã QR cho mọi giao dịch là vô cùng thuận tiện. Ngay cả khi quên mang theo tiền mặt khi đi chợ, tôi vẫn có thể mua sắm đầy đủ nhu yếu phẩm chỉ với chiếc điện thoại thông minh. Hơn nữa, phương thức thanh toán này còn giảm thiểu rủi ro tiền giả, một lợi ích không nhỏ so với việc sử dụng tiền mặt.”

Ông Phạm Văn Biên, trưởng thôn Đông Căm, chia sẻ thêm về những cải tiến trong việc truyền đạt thông tin: “Trong quá khứ, mọi thông tin quan trọng về công việc của thôn hay các vấn đề cộng đồng thường được thông báo qua loa phát thanh hoặc đòi hỏi việc thông báo trực tiếp từng hộ. Với sự triển khai của mô hình thôn nông thôn mới thông minh, chúng tôi đã tạo ra một nhóm Zalo, bao gồm đại diện từ mọi hộ gia đình, để tuyên truyền và phổ biến thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này đã làm tăng cường khả năng thực hiện các nhiệm vụ và công việc cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và phát triển thôn.”

Để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới thông minh, thôn Đông Căm luôn xác định, cùng với cấp ủy, chính quyền xã Gia Phú tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới từ cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình ra các thôn trên địa bàn nhằm đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới, với sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thôn, sự tin tưởng, đoàn kết của Nhân dân, thôn Đông Căm đang tiếp tục thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại, tiến tới hoàn thành các tiêu chí phấn đất đạt thôn Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024 và trở thành thôn nông thôn mới thông minh vào năm 2025.

 

TDA
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1